Một cuộc trò chuyện với bố mẹ

Đọc thêm loạt bài về Người LGBT và Gia đình.


Mỗi lần về nhà, mình thường cố tình đeo vòng tay cầu vồng trước mặt ba. Ba mình biết hết ý nghĩa những biểu tượng LGBT, cũng như những khái niệm cơ bản, nhưng vẫn không đồng ý với việc mình hoạt động trong phong trào quyền LGBT. Tối qua mình và ba đã có cuộc nói chuyện dài. Lẽ ra mình không chia sẻ những điều riêng tư này, nhưng, nếu nó có ích thì nó nên được chia sẻ. Mình nghĩ những băn khoăn của ba đều là chính đáng, thông thường, và ba cũng rất thông minh khi đặt các câu hỏi rất khó. Đây là tóm tắt lại những trao đổi, có chia nhỏ một chút, thứ tự trong thực tế có khác, cũng như đây là kiểu "cắt gọt" nên khi đọc có thể thấy hơi nhát gừng, rời rạc một chút.

MỞ ĐẦU

Ba: Hai đứa A và B có phải đồng tính không?
Mình: Con không biết, đó là việc cá nhân của hai đứa nó.
Ba: Không phải đồng tính thì tại sao lại tham gia sự kiện của bên con?
Mình: Tụi nó có thể là người ủng hộ. Sự kiện của LGBT đâu phải chỉ là tự tổ chức với nhau. Xã hội bây giờ có rất nhiều người ủng hộ tụi con.
Ba: Mình đã không may mắn rồi, đừng đi dụ dỗ để con cái nhà người ta bất hạnh.
Mình: Cái này không có gì là bất hạnh. Và có muốn dụ cũng không được, nó như thế nào thì tự nhiên thế đó thôi.
Ba: Người ta nói gia đình có con đồng tính là nhà vô phúc.
Mình: Những người mở miệng ra nói người này người kia vô phúc thì chính họ mới là vô phúc.

HẠNH PHÚC VÀ HY SINH

Ba: Ba rất lo cho con.
Con: Con cám ơn ba đã lo, nhưng ba có thể yên tâm vì con đang sống rất hạnh phúc.
Ba: Con hạnh phúc nhưng ba không hạnh phúc. Ba muốn con cũng lấy vợ sinh con như người ta.
Con: Vậy con đau khổ thì ba mới hạnh phúc sao? Phải có một người khác nữa cùng sống cuộc đời giả tạo nữa thì ba có hạnh phúc trên tất cả những điều đó không?
Ba: Cuộc sống đôi khi phải có những sự hy sinh, không phải lúc nào cũng làm theo ý mình được. Đó là ích kỷ, chỉ biết sống cho mình.
Con: Người ta hy sinh cũng là phải để sống hạnh phúc hơn. Làm điều mà tất cả mọi người đều thấy khổ thì không gọi là hy sinh. Không thể làm cho mình hạnh phúc thì làm sao khiến người khác hạnh phúc được.
Ba: Ba sẽ hạnh phúc nếu con làm theo ý nguyện, ước mơ của ba.
Con: Đó là ảo tưởng chứ không phải hạnh phúc thật sự. Hạnh phúc là cái hiện tại, cái đang trong đầu mình. Là cái trước khi đi ngủ mình thấy ngày hôm nay mình không có gì tiếc nuối.
Ba: Niềm vui của con nhưng là sự héo mòn của ba mẹ. Có thể như vậy sao?
Con: Vậy thì trách nhiệm của con cái là phải thuyết phục bố mẹ, vì bố mẹ đang thiếu thông tin.
Ba: Ngày xưa bác (anh trai ba) đi du học nước ngoài, được công việc tốt ở thành phố lớn, nhưng vẫn quyết định về quê để sống cùng ông bà, vì đó là ý nguyện của ông bà. Đó mới là sống vì mọi người.
Con: Vậy ba ngày xưa tại sao không ở bên cùng ông bà mà lại vào Sài Gòn? Ông bà có muốn ba ở bên cạnh không?
Ba: (Suy nghĩ) Rất muốn chứ. Nhưng ông bà hiểu rằng con cái ở quê mãi thì không phát triển được, ba phải ở đây.
Con: Vậy là ông bà có đủ thông tin, và biết điều gì là tốt nhất cho ba. Con sẽ phải làm sao để ba cũng như ông bà, biết điều gì là tốt nhất cho con và ủng hộ con, nói với con là “Con cứ sống thật đi, con cứ làm những gì con cảm thấy hạnh phúc là ba vui.”

GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI

Con: Con không hiểu con đang không hạnh phúc chỗ nào khiến ba phải đau khổ?
Ba: Vì con không có con cái.
Con: Có con không đồng nghĩa với tự nhiên hạnh phúc.
Ba: Đối với ba thì ước mơ thấy con cái mình lập gia đình, sinh con đẻ cái, có người chăm sóc nó về già là hạnh phúc rồi. Chỉ lấy thôi, không cần yêu cũng được. Miễn có đứa con.
Con: Vậy sao ba không ước mơ con yêu người cũng yêu thương con, rồi chăm sóc cho nhau những lúc khó khăn, nó cũng cùng mục đích mà?
Ba: Hai người cùng giới thì làm sao có con được?
Con: Con nuôi là một cách.
Ba: Con nuôi sao bằng con đẻ.
Con: Gia đình tạo nên từ tình thương chứ không chỉ đơn thuần từ huyết thống. Vợ chồng có phải là người huyết thống với mình đâu mà họ vẫn yêu nhau. Tình thương được xây dựng nên từng ngày chứ không chỉ do sinh ra là có sẵn.
Ba: Con đẻ vẫn khác. Con đẻ mới sẵn sàng đút cơm, chăm sóc, lo lắng cho mình khi mình ốm đau.
Con: Không đương nhiên như vậy. Con đẻ cũng có thể hất đi bát cơm của cha mẹ ruột.
Ba: Nói là phải nói số đông, không thể tuyệt đối. Số đông là sẽ như vậy.
Con: Không có bằng chứng nào cả. Và cố gắng của mình sẽ lấp đầy số ít, cuộc sống của mình mà.
Ba: Nói như con. Vậy tại sao bao nhiêu đứa con rơi con rớt, thất lạc cha mẹ, vẫn ao ước tìm lại cha mẹ ruột mình, dù đã có cha mẹ nuôi, cha mẹ ruột có nuôi ngày nào đâu?
Con: (suy nghĩ) Có thể họ cũng khát khao hiểu lý do vì sao mình lại xa cha mẹ ruột, cái khát khao muốn biết rằng nỗi đau nào đã chia cắt tình cảm lúc nhỏ ấy. Nhưng vấn đề là không có nghĩa là họ sẽ không còn thương người đã nuôi dạy mình, họ chỉ thương thêm một người nữa thôi mà. Yêu thương thêm thì càng tốt, thế giới càng ít đi thù hận.

NUÔI DẠY CON CÁI

Ba: Đứa con sẽ gọi ai là cha, ai là mẹ?
Con: Cả hai đều là cha.
Ba: Thế nó hỏi mẹ nó đâu thì sao?
Con: (Suy nghĩ) Con sẽ trả lời nó rằng nó cũng từng có mẹ, nhưng mẹ con đã mang con đến với hai cha, đã trao tặng cho hai cha món quà là con. Đó là cái duyên của con và của hai cha.
Ba: Nó sẽ mặc cảm với xã hội không, có phải mình là làm chuyện có lỗi không?
Con: Mình đã cưu mang một cuộc đời, làm cho nó hạnh phúc hơn mà, không có gì có lỗi.
Ba: Nó sẽ thấy mình rất khác biệt, nó hỏi sao ai cũng có mẹ mà con không có thì sao?
Con: (Suy nghĩ) Con sẽ nói rằng mỗi đứa bé sinh ra đều không giống nhau, đều đến với cuộc sống này bằng những cách khác nhau. Đứa sinh ra trong bệnh viện quốc tế, đứa sinh ra trong trạm y tế xã, đứa 3 ký 7, đứa 3 ký 8, không ai sống ai cả. Con được sinh ra và lớn lên theo cách của con. Quan trọng là mỗi người đều đi đến mục đích sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Ba: Nó sẽ phải che dấu, rồi ứng xử với bạn bè, xã hội như thế nào?
Con: Vậy trường hợp ba nói rằng con hãy cưới một người phụ nữ nào đại rồi sinh con ra thôi. Đứa con đó sẽ như thế nào? Nó lớn lên trong gia đình tan vỡ ngay từ đầu như vậy thì có hạnh phúc không?
Ba: Có, ít ra nó vẫn có cha có mẹ.
Con: (hiểu khi tranh luận không còn dựa trên sự hợp lý) Con thì không nghĩ như vậy. Hạnh phúc đâu chỉ có một con đường, đâu phải chỉ có một cách để hạnh phúc.

ĐỊNH KIẾN XÃ HỘI

Ba: Con có công nhận đồng tính là thiểu số không?
Con: Dạ đúng.
Ba: Thế thì con nghĩ cả cái thành phố này, đất nước này, thế giới này nó ngu hết sao mà cứ yêu người khác giới, sao không yêu người cùng giới giống con đi cho tốt đẹp.
Con: Quan trọng là họ tự nguyện, không ai ép buộc họ cả. Con người chỉ bất hạnh khi bị ép buộc thôi. Người dị tính sẽ đau khổ khi ép họ yêu người cùng giới. Người đồng tính sẽ đau khổ khi ép họ yêu người khác giới.
Ba: Thế con nghĩ cả cái Quốc hội này nó ngu hay sao mà không thừa nhận chuyện này, không cho phép người cùng giới kết hôn?
Con: Vậy ba nghĩ Quốc hội của Mỹ hay châu Âu nó cũng ngu hết sao mà đều thừa nhận hôn nhân cùng giới.
Ba: Nó thừa nhận thế thôi, nhưng vẫn coi đó là bệnh.
Con: Không, thế giới đều không coi đồng tính là bệnh.
Ba: Đến loài vật còn biết tìm đến con khác giới để kết đôi. Đó mới là tự nhiên, là bản năng.
Con: Loài vật cũng có đồng tính.
Ba: Thế thì nó là bệnh hoạn.
Con: Không phải. Mà loài vật cũng không phải là loài người. Không phải nó như thế nào thì mình phải giống nó.

KẾT THÚC

Ba: Con làm sao cũng được, nhưng đừng để hàng xóm dị nghị, xì xào về gia đình mình. Ba rất xấu hổ, không dám ngẩng mặt nhìn ai.
Con: Vậy ba phải trách những người đang trực tiếp nói xấu ba chứ sao lại trách con. Người ta cố tình xúc phạm để ba xấu hổ, ba mà xấu hổ là người ta đạt được mục đích rồi. Với nữa, mình chỉ có thể bị tổn thương khi mình cho phép người ta làm mình tổn thương. Bốc nắm muối bỏ vào ly nước thì thấy mặn, còn bỏ vào lòng ao hồ thì không thấy gì. Lòng mình bao dung hơn thì sẽ không bị những thứ đó ảnh hưởng.
Ba: Ba biết nói thế thôi, đầu óc con đã ăn sâu quá rồi, ba không nghĩ sẽ thuyết phục được con. (Đi ra khỏi phòng)
Con: Nhưng con nghĩ con sẽ thuyết phục được ba.

Comments

  1. buồn quá anh ạ. tự nhiên em lại rưng rưng muốn khóc. Nhưng mà em sẽ ko từ bỏ con người mình và hạnh phúc của em đâu. Em chúc anh sớm thuyết phục được bố

    ReplyDelete

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.