Dũng cảm là chính mình



Mở đầu câu chuyện rất thời sự như sau: Bạn An dũng cảm. Cô giáo hỏi bạn nào trong lớp là người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới thì giơ tay lên. Cả lớp đều rất sợ hãi, và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và nói rằng là LGBT là hoàn toàn bình thường, là một phần của cuộc sống đa dạng, nhờ vậy mà An đã tự tin đứng lên công khai mình là người đồng tính. Khi đứng lên rồi, An thấy việc công khai không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn LGBT khác trong lớp để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp cũng nhận thấy các bạn LGBT hóa ra là những người bạn rất bình thường vẫn ở xung quanh mình hàng ngày, và đều dũng cảm vượt qua định kiến về người LGBT.


Làm với trái tim


Dũng cảm khác với gan dạ và can đảm. Trong tiếng Hán, “dũng” thuộc bộ “lực” tức là sức mạnh, còn “cảm” thuộc bộ “tâm” tức là trái tim, “sức mạnh của trái tim." Trong tiếng Anh, “dũng cảm” - “courage” có gốc Latin từ “cour” có nghĩa là trái tim, “-age” có nghĩa là “làm với", với nguyên nghĩa là “hành động với cả trái tim.” Chắc hẳn nhân loại đã thống nhất phổ quát một điều gì đó về sự liên hệ giữa dũng cảm và trái tim con người!

Gan dạ là đặt sự an toàn của mình lên bờ vực, nhưng dũng cảm chính là đặt sự yếu đuối, dễ tổn thương của mình ở mép rìa của sự thử thách.

Nelson Mandela từng nói: “Dũng cảm không có nghĩa là không thấy sợ, mà là chiến thắng nó.” Hay như một câu mình thích hơn “Dũng cảm là vẫn cảm thấy nỗi sợ hãi, nhưng biết điều gì là đúng và vẫn không ngừng cố gắng để đạt được nó.”

Trong buổi tập huấn NextGEN Hải Phòng vừa rồi, mình chứng kiến rất nhiều sự dũng cảm đích thực từ các bạn LGBT. Đó là bạn đồng tính lần đầu tham gia sự kiện cộng đồng mà chỉ dám đứng từ phía xa nhìn vào, đó là bạn chuyển giới kể về lần đầu tiên bước chân lên chiếc giày cao gót. Không có gì quá phi thường ở những hành động đó, nhưng đối với con tim của từng người, nó đã đập những nhịp thật mạnh mẽ và cảm nhận về ý niệm sống thật sự.

Đồng tính: Một chiếc mặt nạ khác?


Có chia sẻ của một bạn trong nhóm mình thấy rất thú vị. Bạn kể rằng trong một bộ phim Joker đã nói với Batman (mà mình tra lại thì là trích của Oscar Wilde, lại Oscar Wilde!), rằng: “Hãy đưa cho một người đàn ông chiếc mặt nạ, và anh ta sẽ là chính mình.” Các cách ngôn của Oscar Wilde (tiện thể, cũng là một người LGBT) luôn sâu sắc một cách đáng kinh ngạc, vừa vô cùng đúng, vừa vô cùng sai.

Con người thường có xu hướng thể hiện hết bản thân khi họ được ẩn danh, khi họ không phải mang nặng một bản dạng xã hội, “là ai." Đó là lý do vì sao mình cho rằng trên mạng xã hội mọi người trở nên thật hơn. Nhà văn J. K. Rowling năm 2013 khi xuất bản tiểu thuyết trinh thám đầu tay đã dùng bút danh giả Robert Galbraith, thậm chí viết cả tiểu sử giả của nam nhà văn này. Có lẽ bà muốn đeo một chiếc mặt nạ vào để quay trở lại là chính mình, không mang gánh nặng của “nhà văn tỉ phú.” Trong vòng 3 tháng sau khi phát hành, và trước khi bị/được phát hiện ra danh tính, tiểu thuyết này bán được tương đương với thời kỳ đầu sự nghiệp của bà. Nhưng tôi tin, đây là khoảng thời gian bà thấy hạnh phúc với chiếc mặt nạ của mình. Bản thân tôi, cũng cố duy trì bút danh “Sáu Sắc” ẩn danh trong nhiều năm! Tôi không muốn biết người khác biết về tuổi tác, giới tính, công việc của tôi. Tôi chỉ muốn người ta đọc những gì tôi viết.

Trước giờ mình vẫn nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể là chính mình khi cởi bỏ tất cả các mặt nạ. Nhưng nhu cầu về sự an toàn cũng rất quan trọng, bạn sẽ không thể là chính mình khi bạn chưa cảm thấy an toàn. Thêm nữa, khi bạn công khai là người đồng tính, khó mà nói rằng bạn không phải mang thêm nhiều trách nhiệm, bổn phận khác: phải là một người đồng tính sống tốt (dù rằng thật ra ai cũng phải sống tốt), phải là một người đồng tính tự hào (hoặc phải đi phản đối những người tự hào, một dạng trách nhiệm khác). Đồng tính, liệu có thể cũng là một chiếc mặt nạ khác?

Con tim biết đứng lên


Câu nói của Oscar Wilde tuy vậy cho cùng vẫn mang nhiều tính phản đề hơn. Khi bạn vẫn còn “giấu”, thì nghĩa là bạn vẫn còn “giấu.” Tháng 3/2011 khi mình chính thức làm toàn thời gian cho phong trào LGBT, mình dự một khóa tập huấn gồm các bạn đồng tính ở Đông Nam Á. Buổi chiều đó cả lớp đi dạo ở Hồ Gươm. Lần đầu tiên, mình bước đi cùng nhiều người đồng tính công khai tới như vậy (chưa tới 10 người). Cảm giác hạnh phúc và an toàn, khi biết mình không phải che giấu hay bị phán xét.

Năm 2012, khi công diễn vở kịch “Được là chính mình,” mình suy nghĩ rất nhanh rằng sau khi xem vở kịch xong, làm cách nào để những bạn khán giả dưới kia cũng sẽ sống được cái cảm giác “được là chính mình” như thông điệp vở kịch. Mình quyết định đứng trên sân khấu và kể về những câu chuyện người LGBT đã dũng cảm sống đúng là chính mình như thế nào dù phải chịu hy sinh, mất mát. Rằng “Im lặng là vàng, im lặng là kim cương, nhưng hôm nay tôi không muốn im lặng nữa. Những bạn nào là người đồng tính, song tính, chuyển giới và tự hào vì mình là người đồng tính, song tính, chuyển giới, xin hãy đứng lên!”

Đó là một trong những phút giây đẹp nhất cuộc đời của mình. Lần đầu tiên, có một cuộc công khai tập thể vô cùng ấn tượng. Có những bạn đã đứng lên, và bật khóc. Đó có thể là sự nhạy cảm, sự yếu đuối, nhưng khi con người ta đã đẩy được sự yếu đuối của mình ra tới bờ vực, thì cũng là lúc sự dũng cảm đã lên ngôi. Bản thân hành động đứng lên của đôi chân là một điều vô cùng bình thường, lặp lại hàng vạn lần trong đời người. Nhưng những người đã đứng lên cùng mình đêm đó, chính là sự đứng lên của trái tim, của sức mạnh của con tim và hành động bằng con tim. Dũng cảm là chính mình.

Comments

  1. Hãy sống thật với chính mình!

    ReplyDelete
  2. Hãy dũng cảm để đấu tranh cho hạnh phúc

    ReplyDelete

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.