Trong các các thảo luận về Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gần đây, có một số ý kiến về việc có nên cho phép chuyển đổi giới tính hay không. Sau đây là tổng hợp một số lầm tưởng phổ biến về việc chuyển đổi giới tính.
Buổi biểu diễn thời trang của nhóm chuyển giới nữ tại Hải Phòng, 4/2015 |
1. Chỉ nên cho phép chuyển giới khi có khiếm khuyết về giới tính sinh học
Hiện tại theo quy định của pháp luật Việt Nam, khái niệm “xác định lại giới tính” được giới hạn chỉ dùng với người “bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác” về giới tính, mà khoa học gọi là người “liên giới tính”. Từ đó phân biệt với “chuyển đổi giới tính” là dành cho những người “hoàn thiện về giới tính." Cách giải thích này cho rằng “xác định lại” là do giới tính bị "nhầm lẫn”, “trục trặc" nên mới cần phải “xác định lại” cho đúng với giới tính "ban đầu," còn “chuyển đổi” là do “ý thích” muốn “chuyển” từ giới này sang giới khác.
Việc phân biệt này tạo ra định kiến về sự “chính đáng” của mỗi khái niệm, trong khi thực tế chúng không khác nhau về khía cạnh thực hiện lẫn mục đích, đơn giản là làm cho cơ thể mình phù hợp với giới tính mong muốn bằng các biện pháp y học. Người có giới tính bẩm sinh không rõ ràng chưa chắc đã muốn can thiệp vào cơ thể mình, trong khi người chuyển giới là người mà luôn nghĩ rằng mình có giới tính khác giới tính khi sinh ra, và mong muốn cơ thể trở nên phù hợp với tâm hồn. Đây có thể gọi là “người có quyền thì không chắc cần, còn người cần thì lại không có quyền."
2. Đã có cơ thể, giới tính hoàn chỉnh thì không cần chuyển đổi giới tính. Không thể cho phép chuyển giới theo ý thích trong khi cơ thể hoàn toàn “bình thường” được
Chuyển giới được khoa học xem là một tình trạng tâm lý bình thường. “Giới tính thật” của mỗi người nên được hiểu là giới tính mà bản thân người đó tự cảm nhận về mình, là giới tính mà họ muốn sống với, chứ không phải dựa trên những gì người ngoài nhìn vào. Vậy đối với người chuyển giới, “giới tính thật” của họ là giới tính họ mong muốn, chứ không phải giới tính lúc sinh ra. Việc cấm thực hiện phẫu thuật xác định lại giới tính với người chuyển giới là ngăn cản họ được sống đúng giới tính của họ.
Căn cứ trên quyền bình đẳng, quyền được thừa nhận trước pháp luật, quyền với cơ thể, quyền tự do thể hiện cũng như quyền riêng tư, thì việc cho phép một người thay đổi giới tính cho phù hợp với nguyện vọng của họ cũng là một quyền chính đáng và cần được thừa nhận. Bản thân mỗi người sẽ biết điều gì là tốt nhất cho mình, không thể ép buộc một người phải sống theo cách mà họ không muốn, đặc biệt khi việc đó không ảnh hưởng gì tới quyền, lợi ích của người khác.
3. Có nhiều người đi chuyển giới là để hưởng ưu đãi, hoặc để trốn tránh nghĩa vụ dựa theo giới tính mới, như vậy không thể cho chuyển giới "bừa bãi" được
Đúng là có nhiều quy định pháp luật, chính sách theo hướng ưu đãi cho một giới nào đó, ví dụ như nữ giới không thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, hoặc nam giới thì có điểm chuẩn xét tuyển vào trường hệ quân đội thấp hơn nữ giới, hay độ tuổi nghỉ hưu, cách tính thành tích thể thao của nam và nữ là khác nhau. Nhiều người nghĩ rằng sẽ xảy ra tình trạng người ta đi chuyển giới để trốn tránh hay hưởng ưu đãi nhất định từ việc có giới tính mới.
Quan điểm này chứng tỏ nhiều người vẫn chưa có đủ kiến thức về người chuyển giới và sự nghiêm túc, khó khăn của quá trình chuyển giới. Chuyển giới là một quyết định cần sự trưởng thành, không thể hoàn lại, tốn nhiều thời gian, tiền bạc, sức khỏe và thậm chí chịu áp lực từ sự kỳ thị. So sánh về thiệt hơn thì không người nào lại đi chuyển giới với mục đích chính là để hưởng ưu đãi từ giới tính mới cả. Hơn nữa, chuyển đổi giới tính không phải là một dạng dịch vụ không điều kiện, mà nó được giám sát bởi các cơ quan y tế phù hợp, người chuyển giới cần được kiểm tra tâm lý là thật sự mong muốn và thích nghi được với giới tính mới, chứ không phải cứ đăng ký là được chuyển giới.
4. Nhưng sẽ có những trường hợp “chuyển đi chuyển lại”, nay thích làm giới này, mai thích làm giới khác thì sao
Những lo ngại về việc người chuyển giới sẽ “tự tiện” chuyển đi chuyển lại là không có cơ sở. Mặc dù trường hợp này là có xảy ra rất hiếm trên thế giới, không có nghĩa là nó ngăn cản việc người chuyển giới có quyền tự quyết về cơ thể của mình. Điều này cũng giống như lập luận “không nên cho phép kết hôn vì sợ sẽ ly hôn” vậy, nếu đó là quyền chính đáng, thì họ có quyền thực hiện nó.
5. Thừa nhận chuyển đổi giới tính nghĩa là thừa nhận luôn hôn nhân cùng giới
Trong hầu hết trường hợp, người chuyển giới sẽ yêu người mà họ nghĩ có giới tính khác với họ (ví dụ người chuyển giới từ nam thành nữ sẽ yêu người nam). Như vậy khi đã phẫu thuật chuyển giới và được thừa nhận giới tính mới, thì trên pháp lý họ là hai người khác giới, có thể kết hôn với nhau như hai người khác giới chứ không phải cùng giới.
Một số ít trường hợp, người chuyển giới che giấu bản thân mình, đang trong hôn nhân với một người khác giới (trên giấy tờ), nếu sau khi chuyển giới thì hệ quả pháp lý là hai người này trở thành hai người cùng giới. Một số quốc gia giải quyết bằng cách yêu cầu người thực hiện chuyển giới phải đang trong tình trạng độc thân. Tuy nhiên, cách giải quyết hợp lý và đồng bộ nhất vẫn là hợp pháp hóa hôn nhân không phân biệt giới tính.
6. Chuyển đổi giới tính là một vấn đề nhạy cảm văn hóa, xã hội nên cần hạn chế
Không gì có thể bất hợp lý hơn khi chúng ta làm luật về một nhóm người mà quan điểm của người ngoài cuộc lại được coi trọng hơn nguyện vọng, tiếng nói của người trong cuộc. Nếu tất cả người chuyển giới đều mong muốn được thay đổi tên gọi, giới tính và giấy tờ, và điều này là nhu cầu chính đáng, không ảnh hưởng tới quyền lợi người khác, thì giải pháp đưa ra là cần phải giáo dục, nâng cao ý thức xã hội về vấn đề còn nhạy cảm này, đồng thời tiến hành những hỗ trợ thích đáng như tham vấn, liệu pháp hoóc-môn, phẫu thuật để người chuyển giới có thể tự do thể hiện bản dạng giới của mình và giảm thiểu kỳ thị.
7. Thừa nhận chuyển giới thì sẽ không thể quản lý được, tốt nhất là cần thận trọng, khoan vội cho phép chuyển giới
Trên thực tế, việc không thừa nhận quyền xác định lại giới tính của người chuyển giới gây ra nhiều rắc rối hơn là việc hợp pháp hóa nó. Nhiều người chuyển giới không có giấy tờ tùy thân, hoặc không khớp với thể hiện bên ngoài, đây chắc chắn là điều mà về mặt quản lý, nhà nước cũng không mong muốn. Không ai nên nằm ngoài sự thừa nhận của pháp luật cả.
Việc cấm hay không thừa nhận việc chuyển giới không thể làm họ ngừng khao khát được sống đúng với giới tính mong muốn của mình. Không thừa nhận chuyển giới có nghĩa là họ vẫn phải gồng mình để chịu những ca phẫu thuật tốn kém gấp nhiều lần và nguy hiểm ở nước ngoài. Không thừa nhận có nghĩa là tên gọi, giới tính của họ sẽ vẫn không phù hợp với tình trạng cơ thể thực tế. Đồng thời còn ngăn cản họ tiếp cận với các quyền khác như kết hôn, đi lại bằng máy bay, mua bán, việc làm...
Có nhiều quan điểm cho rằng việc chuyển giới làm tăng áp lực với hệ thống hành chính, gây tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên thừa nhận quyền chuyển giới không chỉ giúp cuộc sống một bộ phận người chuyển giới thuận lợi, hạnh phúc hơn, mà còn giảm những chi phí xã hội do chính việc không thừa nhận gây ra như giải quyết việc làm, tệ nạn, hệ thống hỗ trợ…
Comments
Post a Comment
Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ
Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.