Cuộc nổi dậy Stonewall (Stonewall Riot)
Ngay trước nửa đêm ngày 27/6/1969, 4 cảnh sát sắc phục và 2 cảnh sát thường phục bước vào quán bar Stonewall Inn (thành phố New York) với phần lớn người đồng tính và xuyên giới* đang tụ tập, để “kiểm tra việc bán chất có cồn bất hợp pháp.” Cảnh sát bắt đầu bao vây khu vực quán bar. Vừa bước qua ngày 28/6/1969, cảnh sát bắt đầu dùng vũ lực để bắt giữ những khách hàng của quán, một hành động bình thường vẫn diễn ra lúc bấy giờ khi nạn bắt bớ thường xuyên hướng tới người đồng tính và xuyên giới.
Nhưng lần này, một điều ngạc nhiên khác thường đã xảy ra. Thay vì im lặng bước vào bóng tối, 200 khách hàng của quán bar đã chống trả lại cảnh sát, lao vào và chống trả túi bụi bằng bất cứ thứ gì họ có được. Lịch sử ghi tên Sylvia Rivera**, một người chuyển giới nữ, là người đầu tiên đứng lên chống trả lại. Và dù cho ai đã bắt đầu đi nữa, buổi đêm hôm ấy tại Stonewall đã khơi ngòi cho 3 đêm biểu tình liên tục và hơn bốn mươi năm miệt mài của phong trào đấu tranh vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (GLBT) trên khắp thế giới.
Các tờ báo lớn đều hoàn toàn im lặng trước sự kiện Stonewall. Nhưng chỉ trong một ngày, một tờ rơi kêu gọi thành lập tổ chức đã được phát đi; đến cuối tháng 7, Mặt trận Giải phóng Đồng tính (Gay Liberation Front) được thành lập.
Cuộc nổi dậy Stonewall tuy không phải lần đầu tiên người GLBT đứng lên chống trả lại sự đàn áp, nhưng nó đã thay đổi hoàn toàn cục diện lịch sử lúc bấy giờ và trở thành nguồn động viên bất diệt cho phong trào quyền GLBT trên khắp nước Mỹ cũng như thế giới.
Đường chỉ tới Tự hào (Gay Pride)
Kỷ niệm 1 năm Cuộc nổi dậy Stonewall, một cuộc tuần hành nhỏ từ công viên Acquatic tới Trung tâm Thị chính San Francisco đã diễn ra. Cùng ngày 27/6/1970, Chicago Gay Liberation tổ chức một cuộc tuần hành khác. Đây là hai Tuần hành Tự hào (Pride Parade) đầu tiên trên thế giới.Một ngày sau, ngày 28/6/1970, một cuộc tuần hành đồ sộ của người San Francisco diễn ra tại công viên Golden Gate. Người New York tổ chức Ngày Diễu hành Phố Christopher (Christopher Street Day March) còn người Los Angeles cũng xuống đường Đại lộ Hollywood.
Tháng sáu dần dần trở thành thời điểm để các thành phố tổ chức Tự hào Đồng tính của mình, với các tên gọi như “Tuần hành Giải phóng Đồng tính” (Gay Liberation Marches), “Tuần hành Tự do Đồng tính” (Gay Freedom Marches).
Tại San Francisco năm 1971, 3.000 người đã tham gia tuần hành, thu hút đám đông 54.000 người ủng hộ. “Gay Parade ‘73” năm sau đó được tổ chức quy mô một tuần lễ với đỉnh sự kiện là “Gay Picnic” ở Công viên Golden Gate.
Tới nay, San Francisco luôn là sự kiện Gay Pride được chờ đón nhất, được ví như “thủ đô đồng tính” (gay capital) của nước Mỹ. Năm 1978, lá cờ cầu vồng với tám màu, lá cờ tự hào đồng tính xuất hiện tại San Francisco Gay Freedom Day. Một năm sau nó được giảm màu hồng vì nhà in thiếu mực và giảm tiếp màu chàm để cờ có số vạch chẵn. (Đọc thêm về cờ cầu vồng)
Từ năm 1972, Jeanne Manford, người sáng lập Hội Cha mẹ và Bạn bè của Người đồng tính.(PFLAG) đã tham gia Ngày Diễu hành Tự do Phố Chistopher, tiền thân của Diễu hành Tự hào Thành phố New York. (Đọc thêm về PFLAG)
(Còn tiếp)
Phần 1 | Phần 2
--
Đọc thêm lịch sử:
* Bài viết sử dụng một số thuật ngữ cũ hoặc ít dùng (xuyên giới, GLBT) bởi vì những từ thuật ngữ hiện tại như chuyển giới hoặc LGBT chưa xuất hiện vào thời điểm đó. Thuật ngữ "chuyển giới" (transgender) tới thập kỷ 90 mới xuất hiện để chỉ những người có giới tính sinh học không trùng với giới tính mong muốn.
** Sylvia Rivera là sáng lập viên của cả Mặt trận Giải phóng Đồng tính và Liên minh Nhà hoạt động Đồng tính (GAA). Thuở ban đầu khái niệm đồng tính gọi chung cho cả những người đồng tính lẫn chuyển giới, nên dù là người chuyển giới (khái niệm xuất hiện sau cuộc nổi dậy Stonewall tới 20 năm), Rivera vẫn tham gia rất tích cực vào phong trào quyền của người đồng tính.
Rivera luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải liên kết với những người xuyên giới, họ luôn là đứng mũi chịu sào của phong trào quyền GLBT. Những người lãnh đạo đồng tính theo trường phái tương đồng hóa mong muốn đưa một hình ảnh GLBT mà họ nghĩ là “tích cực”, “đàng hoàng” ra ngoài xã hội, đã đề nghị xóa bỏ hình ảnh những người giả gái và văn hóa cải giới, xuyên giới ra khỏi cộng đồng GLBT. Rivera đã kịch liệt phản đối điều này.
Năm 1971, tổ chức do bà sáng lập GAA đã loại bỏ các vấn đề của người xuyên giới và cải giới ra khỏi chiến lược hành động tổ chức, vì cho rằng như vậy thì hơi “quá lố” và họ nghĩ rằng khi vận động thì nên dùng hình ảnh người đồng tính “trông giống như” người dị tính sẽ có lợi hơn. Tới tận năm 1995, Rivera vẫn còn cảm giác tức giận vì bị gạt khỏi lề, bà chia sẻ “Khi mọi thứ bắt đầu thuận lợi hơn, thì giống như họ bắt đầu nói với tôi rằng ‘Chúng tôi không cần cô nữa.’”
Bà là người phản đối tổ chức Human Rights Campaign (HRC) và ESPA vì cho rằng những tổ chức này đã chặn đường với quyền của những người xuyên giới. Năm 2002 trên giường bệnh vài giờ trước khi chết, bà vẫn còn thảo luận với ESPA để mong muốn những vấn đề của người chuyển giới được đưa vào cấu trúc tổ chức và quá trình vận đồng quyền GLBT.
Tôi rất thích những bài viết mang tính thông tin như thế này. Hy vọng 6sắc sẽ có nhiều bài viết giúp cộng đồng hiểu hơn về giới mình hơn nữa.
ReplyDelete