Chủ nghĩa độc tôn dị tính - Phần 2: “Đông là đúng?”



Bài viết đã được đăng trên trang Diễn Ngôn:
http://dienngon.vn/Blog/Article/go-nhan-cho-dong-tinh

Ở phần trước người viết phân tích về quan điểm mặc định xem mọi người đều là người dị tính. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì chủ nghĩa độc tôn dị tính sẽ không có ảnh hưởng gì lớn. Nhưng ở yếu tố tiếp theo, sự định chuẩn hóa bắt đầu áp đặt các giá trị đúng – sai, ưu việt – thấp kém vào tính dục của mỗi con người.

Nguồn: Internet

Dị tính là ưu việt hơn, những gì ngoài dị tính là thấp kém hơn.

Quan điểm này biểu hiện ở một số điểm:
  • Lấy dị tính làm chuẩn mực
  • Gắn đồng tính, song tính với những đặc tính xấu.
Biểu hiện 1: Lấy dị tính làm chuẩn mực.

Từ những ví dụ rất nhỏ như cách gọi tên “trai xịn”, “trai 100%” hay “người bình thường” để nói về người dị tính, chúng ta ngầm hiểu như vậy người đồng tính là không “xịn”, không “100%” và không “bình thường.”

Hay một ví dụ khác, câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh hay đặt ra “mày có muốn lấy sợ, sinh con, lập gia đình như bao người con trai khác không?” thường làm bối rối những người con đồng tính. Nhiều bạn đồng tính “sập bẫy” này và trả lời “Con cũng muốn lắm nhưng không thể được.”

Một cuộc sống dị tính điển hình được đưa ra để làm chuẩn mực áp đặt lên mọi người. Thật ra, người con hoàn toàn có thể trả lời “Con muốn được là chính mình, được yêu người mình yêu, được kết hôn và xây dựng gia đình với người đó.” Khi đó, rõ ràng có thể thấy dị tính không còn là “chuẩn mực duy nhất” nữa.

Biểu hiện 2: Gắn đồng tính, song tính với những đặc tính xấu.
  • “Đồng tính nam là do tập nhiễm, a dua, đua đòi, theo phong trào.”
  • “Đồng tính nữ là do chán ghét đàn ông, do thất bại trong tình cảm.”
  • “Người song tính là người hay lăng nhăng, không chung thủy, không dứt khoát.”
Trên đây là những phát biểu thường nghe, khi xã hội cố gắn ghép LGBT với những đặc tính xấu, và luôn “săm soi” vào những đặc tính đó. Tất nhiên, khi nói “người đồng tính là người bình thường”; có nghĩa là người đồng tính cũng có những đặc tính tốt và xấu như bất kỳ ai khác. Thế nhưng, quan điểm cho rằng dị tính là ưu việt hơn luôn cố gắng bôi tất cả những điều tiêu cực vào hình ảnh của người đồng tính, song tính.
  • Nếu người dị tính chia tay nhau, thì đó là vì tình cảm của họ không còn. Còn nếu người đồng tính chia tay nhau, thì đó là vì bản chất người đồng tính không thể yêu nhau lâu bền được.
  • Nếu người dị tính giết người cướp của, thì đó là vì lòng tham và tội lỗi của cá nhân họ. Còn nếu người đồng tính giết người cướp của, thì đó là vì cộng đồng người đồng tính hay gắn liền với tội phạm.
  • Thậm chí, trong những vụ án, nếu người đồng tính là thủ phạm, thì đó là một yếu tố “tăng nặng”, còn nếu người đồng tính là nạn nhân, thì đó là hậu quả do “lối sống” của họ. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm (là người dị tính) thậm chí còn lợi dụng điều đó, xoáy sâu, mặc sức thóa mạ nạn nhân để biện hộ cho mình. Còn nạn nhân (là người đồng tính) thì không dám lên tiếng.
Nếu một người đồng tính thử có trải nghiệm dị tính (quen với người khác giới) thì được xem là rất tốt, được khuyến khích để làm việc đó. Nhưng nếu một người dị tính có trải nghiệm đồng tính (quen với người cùng giới) thì lập tức bị xem là không tốt, phải chấm dứt ngay. Dị tính ưu việt và đồng là thấp kém chính là vì vậy.

Quan điểm này là một cấu thành rất quan trọng của chủ nghĩa độc tôn dị tính. Để từ đó tạo ra những định kiến và phân biệt đối xử mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau: Chủ nghĩa độc tôn dị tính - “Đặc quyền của đa số.” 

Phần 1 | Phần 2 | Phần 3

Comments