Quyền của người đồng tính là quyền gì?



Dưới đây là chép lại bài phát biểu của 6SAC tại Lễ kỷ niệm ngày Nhân quyền Thế giới (10/12/2012) tại Hà Nội, với sự có mặt của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực xã hội dân sự và quyền của các nhóm thiểu số như người khuyết tật, người nhập cư, vân vân.



Xin chào mọi người,

Có lẽ mọi người cảm thấy hơi tò mò với sự xuất hiện của tôi. Tôi chỉ là một cá nhân, không đại diện cho toàn bộ người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam. Nhưng tôi may mắn có rất nhiều bạn bè là người đồng tính, song tính và chuyển giới, nên cũng có thể phần nào nói lên một chút gì đó.

Mọi người đã nghe từ “dị tính” bao giờ chưa? “Dị tính” là người thích người khác giới. [hội trường cười] Trong phòng hôm nay có lẽ phần đông mọi người là người dị tính. Vậy lần đầu tiên mọi người biết mình là người dị tính là khi nào? Hay là chỉ khi tôi nói ra mọi người mới biết mình là người dị tính?

Cũng giống như hầu hết mọi người ở đây không nghĩ rằng mình lại có cái tên khoa học là “người dị tính”, tôi cũng không nghĩ rằng tôi lại được khoa học đặt cho cái tên là “người đồng tính.” Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình là một con người, sinh ra, lớn lên, đi học, tốt nghiệp, có một việc làm ổn định, rồi gặp được người mình yêu. Sáng sáng đi làm, trưa đi ăn cùng đồng nghiệp, tối về xem tivi hay đi chơi đâu đó. Cuộc sống của tôi cũng bình thường như những “cuộc sống dị tính” khác.

Nhưng cuộc sống thì không dễ dàng như thế. Đôi khi có những lúc, có những thứ, và có những người, nhắc tôi rằng, tôi là người đồng tính. Và rằng cuộc sống của những người như tôi hình như có chút gì đó chưa đầy đủ, chỉ bởi vì mọi người chưa nhìn nhận người đồng tính là một phần bình thường, tự nhiên và không thể tách rời của xã hội.

Khi nói về nhân quyền, chúng ta hay nghĩ tới những quyền lớn lao, như quyền chính trị, quyền tham gia điều hành đất nước. Nhưng tôi muốn mọi người hiểu đôi khi nhân quyền cũng là những điều rất đơn giản, gần gũi. Câu hỏi đầu tiên mà rất nhiều người hỏi khi nghe tôi nói về “quyền của người đồng tính” là “người đồng tính thì cần những quyền gì?” Nhiều người không hình dung được quyền của người đồng tính là quyền gì.

Một trong những quyền cơ bản nhất đó là quyền mưu cầu hạnh phúc, được yêu người mà mình yêu.

Tôi từng nói chuyện với một cán bộ cấp tỉnh, bà kể cơ quan bà ngày trước có hai người cùng giới yêu nhau. Cơ quan biết được, thuyên chuyển công tác hai người, và sau đó họ đã chia tay. Bà nói với tôi mà giọng không giấu nổi niềm tự hào, như vừa mới làm một điều không thể đúng đắn hơn. Nhiều đám cưới từ Cà Mau, Hà Tiên, Bình Dương bị đình chỉ. Người trong cuộc thì bị phạt tiền, buộc rời khỏi địa phương, bắt cam kết không được tổ chức đám cưới nữa. Dù họ không hề vi phạm pháp luật, địa phương thì chỉ nói là “gây mất trật tự công cộng.”

Những người chuyển giới là bị kỳ thị xã hội nặng nề nhất. Nhiều bạn không thể làm giấy tờ cá nhân do cơ quan nhà nước không chấp nhận ngoại hình của các bạn. Không thể thực hiện những giao dịch hàng ngày như ngân hàng, đi máy bay. Nhiều bạn thực hiện phẫu thuật chuyển giới, khi quay về Việt Nam thì không được công nhận, không làm được giấy tờ, đành sống một cuộc sống ngoài vòng pháp luật.

Các bạn hay nói câu thế này, khi ánh sáng tự nhiên tắt đi và ánh đèn đường bật lên, mới là lúc cuộc sống của người chuyển giới bắt đầu. Vì không thể chịu được ánh nhìn kỳ thị của người khác vào ban ngày, cuộc sống của nhiều người phải gắn liền với bóng đêm. 

Mới vài ngày trước, một người bạn chuyển giới của tôi bị một nhóm gần 10 người xông vào đánh, đạp vào ngực, chích điện phải vào bệnh viện; chỉ vì bạn ấy là người chuyển giới. Có bạn kể, một lần đi xuống chợ ở miền Tây, khi vừa mới tới cổng chợ thì nghe loa phát thanh của chợ phát “Bà con tiểu thương lưu ý, đang có một nhóm pê đê mặc quần này, áo này, mang giỏ xách này chuẩn bị vào chợ, bà con cẩn thận coi chừng trộm cắp.”

Đó là quyền gì? “Quyền được đi chợ”, “quyền được bước ra đường”, chắc chúng ta không bao giờ nghĩ tới lại có những quyền như vậy. Hay bao quát hơn, đó là quyền được là chính mình, tự do thể hiện và quyền không bị loại bỏ khỏi đời sống. 

Trong các kiểu kì thị, kì thị trong chính những người bị kì thị, những người đấu tranh chống lại kì thị là sự kì thị chua xót nhất.

Nhiều người hay so sánh và nói rằng còn nhiều nhóm người cần quan tâm, vận động hơn là người đồng tính. Theo ý họ, thì chắc là phải lo hết cho người nghèo, người già, vân vân, thì mới nhìn tới người đồng tính. Thật ra đó chỉ là một lập luận trốn tránh để biện minh cho sự phân biệt đối xử. Một số khác cũng là nhóm bị kì thị nhưng cũng không ủng hộ người đồng tính vì họ nghĩ rằng đồng tính là bất thường, bệnh hoạn.

Tôi nhớ câu chuyện về nữ tổng thống Liberia. Bà là nữ tổng thống đầu tiên và duy nhất cho tới hiện nay của châu Phi, và là người đạt giải Nobel hòa bình vì những đóng góp cho phong trào đấu tranh quyền phụ nữ ở châu Phi. Nhưng khi đất nước bà dự định thông qua luật “phòng chống đồng tính”, bà lại là người ủng hộ. Nhiều người nói đùa rằng chắc đối với bà, “phụ nữ chỉ nên có quyền con người nếu họ lên giường với đàn ông.”

Trước kia khi nhận giải Nobel, bà đã phát biểu rất cảm động “chúng tôi đã dùng nỗi đau của chúng tôi, những thân thể rạn vỡ của chúng tôi, những vết thương tinh thần của chúng tôi để đương đầu với sự bất công và nỗi sợ hãi của đất nước. Hỡi những người em gái, chị gái, hỡi những người con gái, người bạn của tôi, hãy lên tiếng.”

Nhưng khi giải thích tại sao bà chống lại nhân quyền của người đồng tính, bà đã trả lời ngắn gọn, “chúng tôi có những giá trị truyền thống mà chúng tôi muốn gìn giữ.” Bà đã không nhớ rằng, bà đã từng phải dành cả đời mình để chống lại cái gọi là “giá trị truyền thống.” Và những người đàn ông cũng đã từng dùng chính lập luận đó của bà để tước đi quyền con người của phụ nữ.

Rất nhiều người đồng tính, song tính và chuyển giới không dám bước ra ánh sáng để nói lên tiếng nói của mình. Vì họ vẫn còn cảm thấy không gian ở ngoài này còn rất nguy hiểm cho họ.

Ngồi ở đây hôm nay, tôi tin tất cả mọi người đều là những người vô cùng ủng hộ và cởi mở về vấn đề nhân quyền. Dù là người khuyết tật, người nhập cư, người có H, phụ nữ hay trẻ em, chúng ta đều là con người. Người đồng tính, song tính và chuyển giới không đòi hỏi những quyền đặc biệt; họ chỉ đòi hỏi những quyền mà ai cũng có.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, là người đồng tính, song tính hay chuyển giới, khi đã là con người thì đều cần được đối xử như nhau và đều được tôn trọng phẩm giá như nhau.

--

Một số hình ảnh tại buổi kỷ niệm:





Comments