Tuyên bố ASEAN về nhân quyền lỗi hẹn với quyền LGBT




Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa thông qua Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (“Tuyên bố”, “AHRD”) đầu tiên của mình tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 vào ngày 18/11/2012 tại Phnom Penh, Cambodia. (Đọc toàn văn tại đây) Mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng, các nhà hoạt động, tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế khác đã bày tỏ sự không thỏa mãn với Tuyên bố này.


Một tuyên bố thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế


Không lựa chọn hình thức “công ước” vốn mang tính ràng buộc nhiều hơn, các quốc gia ASEAN quyết định dùng hình thức “tuyên bố” cho văn bản pháp lý đầu tiên ghi nhận về quyền con người của mình. Được soạn thảo bởi AICHR, Ủy ban Liên chính phủ về Nhân quyền ASEAN, bản tuyên bố bị cho là thiếu minh bạch trong quá trình soạn thảo và thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế hiện có.

Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc (UNHCHR), Navanethem Pillay, nói rằng: “Tôi ngạc nhiên và thất vọng vì bản nháp của tuyên bố không được công khai. Các tổ chức xã hội dân sự cũng không được tham vấn trong quá trình soạn thảo.” Phil Robertson, giám đốc châu Á của tổ chức Human Right Watch bình luận “nỗi lo sợ lớn nhất đã thành hiện thực.”

Vậy điều gì là thiếu sót ở Tuyên bố?


1. Về tổng thể thì Tuyên bố vẫn phản ánh đầy đủ các quyền cơ bản, nhưng nhiều điều khoản khác lại làm suy giảm đi những nguyên tắc cơ bản. Mặc dù ghi nhận “[t]ất cả quyền con người là phổ quát” nhưng lại khẳng định rằng “[đ]ồng thời, việc hiện thực hóa các quyền con người cần được xem xét trong bối cảnh quốc gia và khu vực trong mối liên hệ với hệ thống chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo khác nhau.” Nói một cách nôm na, điều này có thể hiểu rằng quyền con người ở ASEAN thì khác với quyền con người ở châu Âu, châu Phi hay châu Mỹ, và tất nhiên, điều này là đi ngược lại với tính toàn cầu và phổ quát của quyền con người.

Việc quy định như vậy sẽ dễ khiến nhiều quốc gia ASEAN, vốn đa dạng về hệ thống chính trị, văn hóa, tôn giáo khác nhau có thể giải thích theo hướng “bối cảnh quốc gia” hay “truyền thống văn hóa” để vi phạm các nguyên tắc cơ bản.

2. Quyền của các nhóm thiểu số cũng bị bỏ sót trong Tuyên bố như quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (“LGBT”), quyền nhóm bản địa, quyền tài phán độc lập và công bằng, các quyền tình dục và sinh sản, và sự bảo vệ khỏi các đạo luật về “đạo đức xã hội.” (public morality)

Mặc dù trước đó rất nhiều tổ chức đã vận động đưa “xu hướng tính dục và bản dạng giới” (“XHTD&BDG”) vào một trong các yếu tố bị cấm phân biệt đối xử (bên cạnh chủng tộc, giới tính, tuổi tác, ngôn ngữ, tôn giáo...) nhưng cuối cùng hai yếu tố này đã bị đưa ra khỏi bản Tuyên bố. Điều này đồng nghĩa với việc phân biệt đối xử với người đồng tính và người chuyển giới vẫn không bị xem là vi phạm nhân quyền.

Trong quá trình thảo luận liệu có đưa XHTD&BDG vào Tuyên bố:

  • Singapore, Malaysia và Brunei là 3 nước phản đối trực tiếp việc đề cập tới XHTD&BDG vào trong Tuyên bố.
  • Philippines, Thailand và Indonesia là 3 nước ủng hộ việc đưa XHTD&BDG vào trong Tuyên bố.
  • Các nước khác không bày tỏ, hoặc không rõ việc ủng hộ hay phản đối.


Tình hình quyền LGBT tại Đông Nam Á


Nhìn chung Đông Nam Á không phải là khu vực có hệ thống pháp luật an toàn dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới:
  • Sáu quốc gia ASEAN có việc hình sự hóa hành vi tình dục (dù trưởng thành và đồng thuận) giữa những người cùng giới: Brunei, Burma (Miến Điện), Malaysia, Singapore, Philippines (chỉ ở TP. Marawi) và Indonesia (chỉ ở tỉnh Nam Sumatera).
  • Năm quốc gia ASEAN có luật hướng tới và hình sự hóa hành vi “ăn mặc cải trang”: Brunei, Burma (Miến Điện), Malaysia, SingaporeThailand.
  • Không có quốc gia nào có luật chống kỳ thị bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng của một người.

Philippines, Luật chống bắt cóc được dùng để tách rời các cặp đồng tính nữ (dù việc chung sống của họ hoàn toàn tự nguyện). Ở Indonesia Philippines, Luật chống khiêu dâm (xem tất cả những gì liên quan tới chủ đề xu hướng tính dục và bản dạng giới là khiêu dâm) được dùng để khám xét và bắt bớ người LGBT và chặn các hội nhóm, tổ chức hoạt động về quyền LGBT.

Thailand, các vụ giết người với nạn nhân là người đồng tính nữ bị từ chối điều tra. Ở Việt Nam, nhiều đám cưới của các cặp đôi đồng tính bị can thiệp, phạt tiền và bắt cam kết không “tái phạm” hoặc yêu cầu rời khỏi địa phương. Tại Cambodia, một người đồng tính nữ bị phạt tù sau khi bị gia đình của người yêu kiện lên tòa án.

Tại Malaysia, lễ hội hàng năm của LGBT bị cấm tổ chức với lý do “ảnh hưởng trật tự công cộng", một đại biểu quốc hội kêu gọi lập trải cải tạo cho người đồng tính. Bộ Giáo dục nước này còn ban hành tài liệu "Dấu hiệu nhận biết đồng tính" và khuyên phụ huynh phát hiện sớm để đưa con mình đi "chữa trị." Liên đoàn luật sư Malaysia phát biểu không xem quyền LGBT là quyền con người. Nhiều thái độ tiêu cực khác về LGBT cũng được công khai thể hiện bởi cơ quan, tổ chức của các nước ASEAN.

Hy vọng “từ dưới lên”


Với hơn 600 triệu dân và nhiều khác biệt, sự thật là sẽ rất khó để cả 10 quốc gia ASEAN có thể thống nhất chung một điều gì đó. Bằng việc thông qua Tuyên bố đầu tiên về nhân quyền, ít nhất ASEAN cũng có thêm một khung pháp lý cho các quốc gia nhìn vào. Nhiều tổ chức LGBT trước đó đã rất hy vọng Tuyên bố có thể đưa XHTD&BDG vào, vì nếu điều đó xảy ra, đồng nghĩa với việc các quốc gia phải nghiêm túc suy nghĩ về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền cho người LGBT tại quốc gia mình.

Tuy nhiên điều đó không xảy ra, một đột phá “từ trên xuống” chưa đủ chín muồi. Nhưng cộng LGBT tại ASEAN, các tổ chức vận động quyền LGBT, và những nhân dân ASEAN tiến bộ vẫn hy vọng về những thay đổi “từ dưới lên” bằng những thay đổi từ chính tổ chức, cộng đồng, xã hội, quốc gia của mình. Và quan trọng hơn, nó bắt đầu tạo ra sự đối thoại, dù có thể gây tranh cãi, nhưng luôn có chỗ cho sự phát triển tốt đẹp hơn.


Tham khảo nguồn:



Comments

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.