Đồng tính dưới 3 góc nhìn: Y học, tâm lý và tôn giáo

Ghi chép về buổi Nói chuyện chuyên đề
“Đồng tính – Tình yêu, Hôn nhân và Những trăn trở”
Do Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, Ban Chương trình Chuyên đề thuộc Ban mục vụ Gia đình tổ chức ngày 19/2/2011, thu hút khoảng 600 người tham dự, trong đó hơn 400 khách mời.
Diễn giả:        BS. TS. Trương Trọng Hoàng (trái cùng)
TS. Tâm lý Trần Mỹ Duyệt, từ Hoa Kỳ (phải cùng)
LM. Louis Nguyễn Anh Tuấn (giữa cầm hoa)

1.      Soeur Nt. Trương Hồng Quế lên phát biểu giới thiệu chương trình.
Đầu tiên, Soeur mở đầu bằng một số số liệu nghiên cứu của iSEE (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) như tỉ lệ người đồng tính (5% dân số), khảo sát về tâm lý, hành vi của người đồng tính đối với xã hội, mức độ hòa nhập, vân vân.
Soeur Quế nhấn mạnh lại quyết định của tổ chức WHO loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách các rối loạn tâm thần từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, và nêu lên quan điểm đề cao yếu tố phẩm chất, đóng góp của con người hơn là hành vi tính dục của họ.

2.      BS. TS. Trương Trọng Hoàng trình bày quan điểm của y học về đồng tính.
BS. Hoàng khẳng định lại một lần nữa: Đồng tính không phải là bệnh. Chỉ khi nào người đồng tính trở nên khổ sở, dằn vặt, đau đớn về bản thân mình, thì lúc đó mới gọi là bệnh và cần điều trị. Mục đích của việc điều trị là để người đồng tính thoải mái chấp nhận và ứng xử tích cực, chứ cũng không nhằm bẻ gãy tính dục tự nhiên của họ. Phong trào SOCE (Sexual orientation change effort, Nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục) trước đây đã dẫn đến việc tạo ra nhiều người có vấn đề về tâm thần hơn.
BS. Hoàng nêu và phân biệt một số khái niệm, thuật ngữ:
§  Gay (đồng tính ái nam, hoặc bao hàm cả nữ), lesbian (đồng tính ái nữ)
§  Bisexual (lưỡng tính ái, nhưng người viết đã từng có đề xuất dùng “song tính ái”), asexual (vô tính ái)
§  Transexual (chuyển giới tính, ở đây BS. Hoàng nêu thuật ngữ tiếng Anh và định nghĩa tiếng Việt chính xác, nhưng dịch thuật ngữ là “chuyển giới tính” thì chưa chính xác, mà có lẽ nên là “xuyên tính ái”)
§  Intersexual (lưỡng giới tính, người có bộ phận sinh dục không xác định rõ ràng, đây là trường hợp bệnh lý cần can thiệp và được pháp luật Việt Nam cho phép)
Lý do/Nguyên nhân của đồng tính ái: hiện nay khoa học đã đưa ra những chứng minh rời rạc về nguyên nhân của đồng tính, là do sinh học (vùng hạ đồi não, gene Xq28, 10q26…) hoặc là do ngoại cảnh (anh em sinh đôi cùng trứng có thể có xu hướng khác nhau, nghiên cứu về ảnh hưởng của giáo dục, xã hội, môi trường hay thậm chí chế độ ăn uống…) nhưng điều chắc chắn đồng tính ái không thể do duy nhất 1 yếu tố đơn lẻ nào mà là tổng hòa nhiều yếu tố khác nhau.
Coming-out (Công khai, “Bước ra ngoài”) là một quá trình lâu dài, mà không phải người đồng tính nào cũng phải trải qua đầy đủ, gồm có:
§  Nhạy cảm hóa (lờ mờ nhận biết về những cảm xúc của mình)
§  Hoang mang bản thể (đặt những cảm xúc đó trong sự mâu thuẫn với những “chuẩn xã hội” mà mình từng biết, dẫn đến sự suy đoán rằng bản thể của mình là không bình thường)
§  Nhận thức bản thể (tìm hiểu, tiếp xúc thông tin, đánh giá lại bản thân dẫn đến việc trở nên thoải mái và chấp nhận bản thể)
§  Xác quyết (bộc lộ ra những hành vi cụ thể, như quyết định trao và nhận tình cảm với người đồng giới, có quan hệ tình dục đồng giới, hay công khai thể hiện bản thể.
m lại, đồng tính là một khuynh hướng thiểu số, không phải là một dạng “lệch chuẩn” của xã hội. Vấn đề còn lại cần giải quyết là chính bản thân người đồng tính cần quyết định cách ứng xử phù hợp với bản thân và với xã hội.

3.      TS. Trần Mỹ Duyệt trình bày quan điểm của tâm lý học về đồng tính.
Ở góc độ là một nhà tâm lý, TS. Duyệt định nghĩa rằng đồng tính không chỉ là việc hai người đồng giới chia sẻ với nhau những cảm xúc sinh lý, mà đó là sự yêu thương, chia sẻ cả về tâm hồn, tích cách và những giá trị tình cảm cho nhau. TS cũng khẳng định ngành tâm lý không coi đồng tính là bệnh. Khi ta nói người đồng tính bên cạnh những người “bình thường”, thì có nghĩa là những người “bình thường khác” mà thôi. Cần có thái độ tôn trọng sự đa dạng, khác biệt này.
TS. Duyệt tập trung phân tích những yếu tố tâm lý lý giải cho việc một người là người đồng tính, theo học thuyết của Simug Freud về thời kỳ ấu nhi (8 tháng – 4 tuổi) và những yếu tố hoàn cảnh, môi trường. TS đưa số liệu rằng có tới 20% dân số “có khuynh hướng” đồng tính, nhưng một số nhỏ khoảng 2-5% thì đã “xác tín”. Vần đề cần ngành tâm lý cần làm là giúp 15-18% kia nhận ra rõ bản thân mình thuộc bản thể nào.

4.      Linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn trình bày quan điểm của Giáo hội về đồng tính.
Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn tập trung phân tích đến khía cạnh tình yêu Thiên Chúa với con Người. Vì con Người là sáng tạo của Chúa từ chính hình ảnh của Ngài. Và sự yêu thương của con người với nhau là phản chiếu của Tình yêu Thiên Chúa. Dựa vào đó, Cha đưa ra hai luận điểm.
§  Sự kỳ thị là điều đi ngược lại Tình yêu Thiên Chúa. Con người không chỉ sống bằng vật chất, khoái cảm mà còn bằng những điều vượt lên trên thế. Giới tính là một điều khắc trong Chúa. Kì thị người đồng tính là phủ nhận lại Tình yêu.
§  Đồng tính là điều đi ngược lại Tình yêu Thiên Chúa. Ý nghĩa của Tình yêu là sự sinh sôi, nảy nở, thể hiện của một Thiên Chúa Sự Sống. Bất kể là giới tính nào, vần đề không chỉ là đấu tranh, giải quyết những vấn đề cá nhân của mình. Nếu vì lý do nào, mà đi ngược lại với chương trình đã định sẵn của Chúa, thì con Người sẽ phải hứng chịu những khổ đau, tai ương của chính mình.
Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn cũng nói rõ, có thể mọi người sẽ có phần thất vọng vì thấy quan điểm của Giáo hội chưa đổi mới. Nhưng điểm đổi mới của Giáo hội hiện nay, là ghi nhận rõ rằng dù nam hay nữ, sắc tộc nào, khuynh hướng tình dục nào, đồng tính hay lưỡng tính… thì cũng là một con người đáng trân trọng, yêu thương vì con người phản ánh hình ảnh Thiên Chúa. Sự kỳ thị là điều đi ngược lại với tình yêu. Người Công giáo lại càng không thể kỳ thị anh em mình.
Ý kiến của Cha gần như tương đồng với phát biểu của  Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: Những người đồng tính luyến ái với những vấn đề và công việc của họ, trong tư cách là người, họ đáng được tôn trọng, dù họ có xu hướng đồng tính luyến ái, và không được kỳ thị họ vì xu hướng ấy. Nhưng đồng thời tính dục có một ý nghĩa và hướng đi nội tại, không phải là đồng tính luyến ái. Ý nghĩa và hướng đi của tính dục là để tạo nên sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, và qua cách thức đó, giúp nhân loại duy trì dòng dõi và có tương lai. Giáo hội cần phải giữ vững điều đó, cho dù đây là điều không làm hài lòng nhiều người thời nay”. (Họp báo giới thiệu quyển sách “Ánh sáng thế gian. Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội và các dấu chỉ thời đại” )


5.      Phần chia sẻ của người trong cuộc
Chị M.T. (52 tuổi): Tuổi thơ của chị thiếu vắng tình thương của gia đình, sớm tự lập. Hai người đàn ông từng đến với chị đều không hòa hợp được. Những người phụ nữ tìm đến với chị cũng vì lý do quá kì vọng vào nhau mà không bền vững được. Tuy nhiên, cảm giác khi chị nhìn vào ánh mắt của những người bạn nữ, và nhìn thấy nỗi cô đơn, trống trải của hai người đang được lấp đầy, chị hiểu con đường của mình. Dần dần trong cuộc đời, chị đã gặp những người giúp chị tự nhận ra mình và tìm ra ý nghĩa của hạnh phúc. Phần trình bày của chị tạo rất nhiều tiếng cười cho chương trình bởi lối nói chuyện tự nhiên và hài hước.
Anh L.T. (26 tuổi): Từ nhỏ và cho tới tận khi anh công khai với người thân, anh luôn nhận được tình yêu vô điều kiện từ người mẹ của mình. Lời nói của mẹ “dù thế nào đi nữa thì con cũng là con của mẹ” đã là niềm động viên lớn lao với anh. Hiện anh đang làm quản lý tại một NGO của chính anh thành lập tại Việt Nam, Glink, chuyên tư vấn cho các bạn đồng tính nam trẻ.
Chị T.L. (33 tuổi): Chị là người đi tìm chứng nhân cho chương trình, vì gặp khó khăn, chị quyết định tự mình sẽ lên chia sẻ. Chị chia sẻ những quan sát của mình về vấn đề GLBT trong thời gian sống ở Đức, Hà Lan của mình: cả hệ thống pháp luật và người dân đều ủng hộ việc này. Và thấy ở Việt Nam, mọi người chủ yếu là e dè, sợ sệt và né tránh đồng tính do thiếu thông tin, còn vấn đề bạo lực với người đồng tính thì cũng còn ít. Chị cũng giới thiệu với cả hội trường người bạn gái mà mình đang chung sống.

6.      Phần hỏi đáp của chương trình chỉ trả lời được 2 câu hỏi ngắn, chương trình hẹn sẽ đăng tải câu hỏi và trả lời lên trang web www.chuongtrinhchuyende.com trong thời gian gần nhất.

NHẬN XÉT:
Những kiến thức, nội dung, quan điểm mà các diễn giả trình bày không có nhiều điều mới (với bản thân người viết), phần chia sẻ của các người trong cuộc cũng khá điển hình. Nhìn chung mọi người vẫn còn chút dè dặt khi đề cập tới vấn đề này. Các diễn giả, người tổ chức rất thận trọng với những gì mình nói. Nhiều khách mời làm người trong cuộc từ chối vào phút cuối. Về tổ chức, cấu trúc chương trình mạch lạc, rõ ràng, không khí trao đổi thoải mái.
Nhưng điều đáng nhớ nhất sau khi tham gia, chính là khi mở quyển giới thiệu các chương trình của Ban Mục vụ Gia đình, và người viết phát hiện ra ban đầu chương trình này có tên là “Đồng tính – Tình yêu, Hôn nhân và Những hệ lụy.” Để tạo ra một thay đổi nhỏ về ngôn từ như vậy, người viết tin rằng đằng sau đó là cả một quá trình tìm hiểu, nhận thức và thay đổi rất cởi mở và mạnh dạn. Đúng như những người tổ chức nhận xét, đây chỉ mới là sự khởi đầu rất nhỏ, nhưng cần thiết, cho những hành động cụ thể hơn trong tương lai.
6SCV ghi


Comments